Vai trò của quản lý chất lượng trong quản lý sản xuất
Kiểm soát chất lượng được coi là chìa khóa để xây dựng một doanh nghiệp thành công, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất. Đối với những doanh nghiệp lớn, quản lý chất lượng là thiết yếu để đảm bảo chất lượng cho những đơn hàng khổng lồ. Với những doanh nghiệp nhỏ hơn, quản lý chất lượng được triển khai sẽ giảm thiểu những lãng phí không đáng, giúp đạt được nhiều lợi nhuận hơn.
Quản lý chất lượng là gì?
Theo Wikipedia, quản lý chất lượng là tập hợp các hoạt động phối hợp để định hướng và kiểm soát chất lượng trong một tổ chức, mục tiêu chung là đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật và sản phẩm đầu ra hoạt động như mong đợi.
Những hoạt động quản lý chất lượng bao gồm: giám sát, đo lường, kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ, sau đó so sánh chúng với các tiêu chuẩn đã được thống nhất nhằm đảm bảo thành phẩm hoàn thiện đạt được yêu cầu của doanh nghiệp và khách hàng.
Việc quản lý chất lượng sẽ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khỏi những sản phẩm lỗi, hàng NG và gia tăng danh tiếng cho công ty. Nói cách khác, chất lượng không chỉ đảm bảo sự hài lòng và niềm tin của khách hàng mà còn góp phần to lớn xây dựng thương hiệu tốt cho doanh nghiệp. Bằng cách thực hiện những kiểm tra và giám sát hiệu quả trong suốt quy trình sản xuất, nhà sản xuất có thể tiết kiệm chi phí nhờ giảm thiểu sản phẩm lỗi và lãng phí, cho phép tối ưu các nguồn lực có sẵn để nâng cao hiệu quả.
Ngoài ra, triển khai quản lý chất lượng sẽ đem lại hiệu ứng tích cực đối với nhân viên, khuyến khích họ nỗ lực để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, từ đó thỏa mãn sự mong đợi của khách hàng. Tóm lại, khi một doanh nghiệp áp dụng nghiêm túc các phương pháp quản lý chất lượng, họ sẽ không chỉ gia tăng được doanh thu và lợi nhuận, tối đa nguồn lực mà còn có thể gia tăng xuất lượng, đẩy nhanh tốc độ sản xuất.
3 giai đoạn hoàn chỉnh trong quản lý chất lượng
Quy trình quản lý chất lượng đầy đủ sẽ gồm 3 giai đoạn: kiểm soát từ khâu đầu vào, trong quá trình và sau sản xuất.
IQC - Kiểm soát chất lượng đầu vào
IQC là viết tắt của Input Quality Control, là kiểm soát chất lượng đầu vào. Hoạt động này sẽ được thực hiện ngay khi nhập kho, cho phép bộ phận quản lý doanh nghiệp nắm bắt được thông tin, kịp thời phát hiện những lô vật liệu không đạt yêu cầu chất lượng để đưa ra những phương án kịp thời. Doanh nghiệp cũng sẽ dựa trên những báo cáo chất lượng để tiếp nhận và trao đổi những vấn đề phát sinh với nhà cung cấp, sau đó quyết định thêm hoặc đổi nhà cung ứng nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, kiểm tra nguyên vật liệu đầu vào cần được thực hiện thường xuyên, phòng trường hợp hàng hóa có thể gặp lỗi, hỏng trong quá trình lưu kho. Một lưu ý cho các nhân viên quản lý chất lượng là ngoài việc giám sát chất lượng, họ còn cần tìm ra nguyên nhân gây ra vấn đề để lên phương án phòng tránh cho những lô nguyên liệu tiếp theo.
PQC - Kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất
PQC là Process Quality Control là việc theo dõi chất lượng trong quá trình sản xuất nhằm bảo bảo theo tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp đề ra. PQC có mối liên hệ chặt chẽ với IQC và OQC.
Quy trình thực hiện của PQC bao gồm 4 khâu:
Khâu 1: Xây dựng bộ tiêu chuẩn và quy trình đánh giá chất lượng. Bộ quy trình này có sẽ định hướng sản xuất theo những tiêu chuẩn của doanh nghiệp và các nhân viên có thể nắm bắt được quy trình để tuân thủ. Những tiêu chuẩn này nên được liên tục cải tiến sao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và đặc tính của dây chuyền sản xuất.
Khâu 2: Kiểm tra công đoạn sản xuất, giúp nhân viên và doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng yêu cầu.
Khâu 3: Phản hồi lại với bộ phận IQC khi phát hiện những bộ phận, vật liệu thô không đạt chuẩn, từ đó điều chỉnh cho phù hợp.
Khâu 4: Phân loại thành phẩm chưa đạt yêu cầu để chỉnh sửa hoặc loại bỏ.
OQC - Kiểm soát chất lượng đầu ra
OQC là viết tắt của Output Quality Control, kiểm soát chất lượng đầu vào, đây bước xác định sản phẩm của doanh nghiệp có đạt tiêu chuẩn hay không và là khâu cuối cùng trong quy trình quản lý chất lượng.
Nhiệm vụ của OQC là đánh giá chất lượng trên toàn bộ dây chuyền sản xuất, chấp nhận đóng gói và vận chuyển những sản phẩm tốt và hoàn trả những thành phẩm bị lỗi, phân tích nguyên nhân và chuyển lại cho bộ phận PQC nếu có khả năng sửa chữa.
Ngoài ra, OQC cũng sẽ giải quyết những phản hồi của khách hàng về chất lượng của sản phẩm sau khi xuất xưởng và tìm ra những nguồn gốc của vấn đề, báo cáo lại để có phương án điều chỉnh cho những lần sản xuất tiếp theo.
Quản lý chất lượng là một vấn đề cấp thiết cho các doanh nghiệp. Nhiều phương pháp quản lý chất lượng đã được ứng dụng và chứng minh hiệu quả trong nhiều thập kỷ doanh nghiệp có thể tham khảo như: 7QC Tools, chu trình PDCA hay phương pháp Kaizen của Toyota. Bên cạnh đó, ứng dụng các phần mềm thực thi sản xuất như MES, với tích hợp IoT để cập nhập dữ liệu trong thời gian thực cũng là một giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp phát hiện và dự báo lỗi kịp thời, nhờ đó tăng hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Comments
Post a Comment