Nhận diện 8 lãng phí trong doanh nghiệp sản xuất

Loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất là một phần của tư duy sản xuất tinh gọn. Tối ưu hóa hoạt động sản xuất bằng cách tận dụng tối đa nguồn nhân lực và vật lực mà không gây lãng phí là cách giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng suất nhà máy.

Trong sản xuất, “lãng phí” (tiếng Nhật: MUDA) là bất kỳ hoạt động nào trong quy trình không tạo thêm giá trị cho khách hàng. Ở Nhật Bản, định nghĩa MUDA bao gồm 7 loại lãng phí được Taiichi Ohno, Kỹ sư trưởng của Toyota, phát triển như một phần của Hệ thống sản xuất Toyota. Bảy loại lãng phí này bao gồm Vận chuyển (Transportation), Hàng tồn kho (Inventory), Chuyển động (Motion), Chờ đợi (Waiting), Sản xuất thừa (Overproduction), Quy trình thừa (Overprocessing) và Lỗi hỏng (Defects). 7 lãng phí này thường được viết tắt là TIMWOOD. Sự lãng phí thứ 8 là lãng phí về tài năng của người lao động (Skill), được đề cập vào những năm 1990 khi hệ thống sản xuất Toyota được áp dụng ở các nước phương Tây. Do đó, 8 lãng phí được viết ngắn gọn là TIMWOODS.


  1. Lãng phí vận chuyển (Transportation)

Lãng phí trong quá trình vận chuyển bao gồm việc di chuyển của con người, thiết bị, hàng tồn kho hoặc sản phẩm xa hơn, mất nhiều công sức để vận chuyển hơn mức cần thiết. Nguyên vật liệu bị vận chuyển quá nhiều có thể dẫn đến lỗi hỏng. Ngoài ra, việc di chuyển nhiều hơn cần thiết của con người và thiết bị có thể dẫn đến việc bị hao mòn và kiệt sức. 

Để hạn chế những lãng phí vận chuyển không đem lại giá trị trong nhà máy, các nguyên vật liệu, thiết bị cần được sắp xếp, bố trí sao cho hợp lý và tiết kiệm sức di chuyển của người lao động. Một số doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp như phát triển dây chuyền sản xuất chữ U hoặc không sản xuất quá mức các hạng mục trong quy trình.

  1. Lãng phí hàng tồn kho (Inventory)

Hàng tồn kho có thể là hàng thành phẩm, bán thành phẩm,... còn trong kho hoặc trong các phân xưởng. Tồn kho dư thừa có thể do mua quá nhiều nguyên vật liệu, sản xuất quá mức hoặc số lượng thành phẩm nhiều hơn nhu cầu của khách hàng. 

Hàng tồn kho, dư thừa không tạo ra nhiều giá trị lợi nhuận hay uy tín cho doanh nghiệp nhưng lại tiêu tốn những khoản lớn vào chi phí lưu kho, quản lý hay chi phí mặt bằng lưu trữ,... Các nhà quản lý sản xuất cần lập kế hoạch hợp lý hoặc tìm kiếm các giải pháp để hạn chế tồn đọng như chỉ mua nguyên liệu thô khi cần với số lượng đủ, sử dụng các phương pháp quản lý kho thông minh, phương pháp Kanban, Kaizen,.. 

  1. Lãng phí chuyển động (Motion)

Lãng phí chuyển động bao gồm bất kỳ chuyển động không cần thiết của con người, thiết bị hoặc máy móc trong môi trường hoặc trong quá trình sản xuất. Các chuyển động thừa hay lặp đi lặp lại trong sản xuất không tạo thêm giá trị cho khách hàng cần được loại bỏ. Các nhiệm vụ đòi hỏi chuyển động quá mức cần được thiết kế lại để đảm bảo an toàn lao động và nâng cao năng suất làm việc của công nhân viên. Doanh nghiệp cần nghiên cứu và xây dựng môi trường lao động một cách thông minh để tối ưu máy móc và tạo ra nhiều thành phẩm mà không tốn quá nhiều sức lực của con người.

  1. Lãng phí chờ đợi (Waiting)

Sự lãng phí chờ đợi bao gồm việc người chờ vật liệu, thiết bị hoặc thiết bị nhàn rỗi chờ đưa vào sản xuất. Thời gian chờ đợi thường do các khu vực sản xuất không đồng đều, điều này có thể dẫn đến dư thừa hàng tồn kho hoặc sản xuất quá mức. Việc phân bổ nhân lực và vật lực không hợp lý có thể là nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí chờ đợi, tạo ra những khoảng thời gian chết mà không mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Các nhà quản lý cần thiết kế các quy trình để đảm bảo sản xuất được liên tục, phân bổ lượng công việc và máy móc hợp lý đến các khu vực sản xuất hoặc đào tạo công nhân viên đa kỹ năng, có thể linh hoạt điều chỉnh trong khi làm việc.

  1. Sản xuất dư thừa (Overproduction)

Sản xuất dư thừa xảy ra khi một sản phẩm được làm trước khi được yêu cầu. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ sản xuất dự phòng hoặc sản xuất trước để có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng ngay khi có đơn đặt. Tuy nhiên, nếu không có dự tính cẩn thận, số lượng hàng hóa dự phòng có thể trở nên dư thừa và tiêu tốn nhiều khoản tiền của doanh nghiệp để bảo quản và lưu kho. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn, tạo thành lãng phí tồn kho. Doanh nghiệp cần có nghiên cứu và nắm bắt được thị trường, từ đó có kế hoạch sản xuất thông minh.

Đọc thêm: 8 trụ cột bảo trì năng suất toàn diện

  1. Lãng phí quá trình (Overprocessing)

Lãng phí quá trình là việc thực hiện nhiều công đoạn, thêm nhiều thành phần hoặc nhiều bước để tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ vượt nhu cầu khách hàng. Trong quá trình sản xuất, điều này bao gồm việc sử dụng thiết bị có độ chính xác cao hơn mức cần thiết, sử dụng các máy móc có công suất vượt quá yêu cầu, chạy nhiều phân tích hay thiết kế kỹ thuật quá mức. Những quá trình dư thừa này được lập trình sẵn, không linh hoạt thay đổi, có thể gây bất hợp lý hoặc bất tiện cho người lao động, hạn chế sức sáng tạo và năng lực làm việc của công nhân viên. 

Việc lãng phí quá trình cón gây ra sản xuất không đồng bộ, dẫn đến nhiều lãng phí khác. Doanh nghiệp cần linh hoạt thay đổi quy trình cho từng loại sản phẩm, cải tiến liên tục để tối ưu hóa các bước sản xuất. Doanh nghiệp cũng cần lấy khách hàng làm trọng tâm trước khi bắt đầu sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt đủ chất lượng và số lượng cần thiết.

  1. Lãng phí do lỗi hỏng (Defects)

Những sản phẩm không đạt đúng chất lượng hoặc không phù hợp để sử dụng đều được coi là lỗi hỏng. Chúng đều cần bị loại bỏ và sản xuất lại, điều này gây lãng phí về thời gian và chi phí mà không đem đến giá trị nào cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Nguyên nhân gây ra lỗi hỏng có thể do sai sót của người vận hành hoặc do máy móc. 

Doanh nghiệp cần tìm cách để khắc phục và hạn chế đến mức tối thiểu các lỗi hỏng xảy ra bằng các biện pháp:

  • Tập trung vào sai sót thường gặp nhất

  • Thiết kế quy trình hoặc ứng dụng công nghệ để phát hiện những bất thường và không bỏ qua các mặt hàng lỗi trong quá trình sản xuất

  • Chuẩn hóa công việc để đảm bảo quy trình sản xuất nhất quán và ít xảy ra sai sót nhất.

  1. Lãng phí kỹ năng (Skill)

Đây là lãng phí thứ 8, bổ sung cho khái niệm MUDA của Toyota. Lãng phí này đề cập đến việc doanh nghiệp không sử dụng tối đa được trí óc, sức sáng tạo và kinh nghiệm của người lao động. Điều này xảy ra khi các doanh nghiệp tách rời vai trò quản lý khỏi công nhân viên, cho rằng họ chỉ là những người nhận lệnh và làm theo kế hoạch. Người lao động không có sự học hỏi lẫn nhau, không chia sẻ kinh nghiệm và không sáng tạo trong quá trình làm việc, do không phù hợp với vị trí công việc, thiếu mục tiêu, hoặc đãi ngộ công ty không tương xứng. Lãng phí tài năng dẫn đến việc vận hành trì trệ, ảnh hưởng đến quy trình sản xuất và sự phát triển của doanh nghiệp.

Để hạn chế, doanh nghiệp cần có những giải pháp để khuyến khích người lao động, thúc đẩy sự chủ động và tự nguyện làm việc của công nhân viên. Tạo ra một môi trường thoải mái, phân việc đúng người và đào tạo nhân viên liên tục là cách để doanh nghiệp tận dụng được nguồn nhân lực của mình và mang lại giá trị sau này.

Kết

Doanh nghiệp sản xuất cần nhận thức được các lãng phí có thể xảy ra trong quá trình vận hành nhà máy và tìm kiếm các giải pháp để hạn chế hoặc loại trừ. Đây là tiền để doanh nghiệp phát triển lâu dài và bền vững. Điều này cũng giúp doanh nghiệp tạo dựng sự chuyên nghiệp, và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Comments

Popular posts from this blog

Lợi ích của hệ thống kiểm soát khu vực sản xuất ( SFC-Shop Floor Control)

8 trụ cột của Bảo trì năng suất toàn diện