8 trụ cột của Bảo trì năng suất toàn diện

Total Productive Maintenance, viết tắt là TPM, là Bảo trì năng suất toàn diện. Đây là chiến lược quản lý sản xuất nhằm mục đích không xảy ra sự cố, không gây lỗi hỏng và không có tai nạn lao động. TPM được ứng dụng để tối đa hóa hiệu suất và bảo trì suốt vòng đời của thiết bị, tạo sự hài lòng cho người lao động, từ đó nâng cao năng suất và tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng. 

Bảo trì năng suất toàn diện là một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất. Bảo dưỡng máy móc là vô cùng quan trọng, đóng góp vào sự thành công của doanh nghiệp. Bảo trì đúng thời điểm, đào tạo công nhân vận hành đúng công suất, đúng quy trình để hạn chế các lỗi hỏng nghiêm trọng do dừng máy, gây ảnh hưởng đến chỉ số OEE (hiệu suất thiết bị tổng thể). Tuy nhiên, để thực hiện được chiến lược này, doanh nghiệp cần xây dựng những trụ cột vững chắc. Đảm bảo 8 trụ cột, hay 8 nguyên tắc cơ bản của TPM là cách để doanh nghiệp duy trì hệ thống bảo trì lâu dài.

  1. Cải tiến có trọng điểm

Đây là trụ cột đầu tiên của TPM. Các nhà quản lý sản xuất cần tập trung cải tiến liên tục những vấn đề hoặc những máy móc có tính quan trọng đối với quy trình sản xuất. Để tránh gây lãng phí tài nguyên nhân lực và vật lực, các bộ phận quản lý và người thực thi sản xuất đều cần phải có cái nhìn tổng thể về vấn đề được ưu tiên giải quyết, từ đó chủ động đưa ra những giải pháp nâng cấp. Những máy móc hay vấn đề quan trọng được cải tiến, điều này giúp duy trì năng suất và bảo đảm cho dây chuyền sản xuất không bị đứt quãng.

  1. Bảo trì tự quản

Mỗi nhóm vận hành sản xuất đều là một nhóm bảo trì tự quản. Mỗi công nhân vận hành máy đều cần biết nhận diện mức độ hư hỏng của máy móc, biết vệ sinh, sửa chữa và bảo trì chúng ở một mức độ nhất định. Người lao động cần có hiểu biết về kết cấu và hiệu năng thiết bị, nắm chắc cách vận hành, có ý thức tuân thủ các quy định về việc bảo dưỡng và đóng góp vào việc duy trì tài sản doanh nghiệp. Điều này đảm bảo mọi máy móc, công cụ đều được chăm sóc, tăng khả năng phát hiện lỗi sớm và giảm bớt khối lượng công việc nặng cho các kỹ thuật viên bảo trì.

  1. Bảo trì chất lượng 

Một trong những mục tiêu lớn nhất của TPM là dây chuyền sản xuất vận hành trơn tru, không tạo ra các sản phẩm lỗi hỏng. Đây là điều ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hài lòng của khách hàng. Do đó, quản lý chất lượng và thực hiện các quy trình nội bộ liên quan đến kiểm soát chất lượng cũng là một trụ cột của TPM. 

Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến khâu phân phối và vận chuyển đến khách hàng. Với các tiến bộ công nghệ ngày nay, các nhà quản lý có thể thu thập hoặc truy xuất thông tin nhanh chóng khi có vấn đề xảy ra, từ đó kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể phân tích các khâu sản xuất để dự đoán lỗi và tìm biện pháp phòng ngừa, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

  1. Bảo trì có kế hoạch

Lập kế hoạch bảo trì dựa trên các dự đoán bảo trì là cách tốt nhất để tránh những sự cố nghiêm trọng như dừng máy gây ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng sản xuất. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, việc có các kế hoạch chi tiết giúp doanh nghiệp tăng tuổi thọ của máy móc, tối đa năng suất hoạt động của các thiết bị, từ đó tăng năng suất sản xuất và tạo ra giá trị lợi nhuận cao. Điều này cũng giúp doanh nghiệp tránh các lỗi lặp lại, tiết kiệm chi phí sửa chữa và hạn chế “thời gian chết”. 

  1. Bảo trì thiết bị sớm

Việc bảo trì thiết bị sớm của doanh nghiệp được đúc kết từ việc bảo trì trước đó. Khi cần thay thế hoặc cải tiến một quy trình sản xuất hoặc phát triển một loại sản phẩm mới, doanh nghiệp có thể xem xét các kế hoạch bảo trì trước, đúc kết kinh nghiệm để ứng dụng sớm cho máy móc, công cụ mới. Bảo dưỡng và cải tiến trở thành một quy trình liên tục không ngừng, đảm bảo chất lượng sản xuất và uy tín của doanh nghiệp. Các nhà quản lý cũng tạo thói quen phân tích một quá trình sản xuất ngay từ những giai đoạn đầu tiên và cải thiện các điểm yếu có thể gây ra bởi thiết bị.

Đọc thêm: Ảnh hưởng của công nghiệp 4.0 đến quản lý vận hành sản xuất

  1. Huấn luyện và đào tạo

Để triển khai thành công TPM, doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo và giáo dục cho cả những nhà quản lý sản xuất và công nhân viên. Nếu người thực thi sản xuất không hiểu được kết cấu máy móc, hoặc cách phát hiện và bảo trì kịp thời, thường xuyên sẽ dễ dẫn đến việc vận hành sai và tạo ra những tổn thất không thể lường trước. Người lao động cần được đào tạo về kiến thức bảo trì cũng như ý thức bảo vệ tài sản doanh nghiệp. Chuẩn hóa huấn luyện và đào tạo liên tục là cách duy nhất để đảm bảo tất cả công nhân viên và kỹ thuật viên làm quen với các thiết bị mới và công nghệ hiện đại của ngành sản xuất, đồng thời đảm bảo TPM hoạt động hiệu quả. 

  1. An toàn và sức khỏe

Bảo trì năng suất toàn diện cũng bao gồm cả việc bảo đảm năng suất của người vận hành thiết bị. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng một môi trường an toàn lao động, giảm tối thiểu các tai nạn nghề nghiệp và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. TPM còn hướng tới mục tiêu không ô nhiễm và không kiệt sức, giảm thiểu các số liệu thống kê về bệnh tật có thể mắc phải khi làm việc trong các khu công nghiệp. Công nhân được làm việc trong một môi trường đạt tiêu chuẩn sẽ cải thiện mức độ an tâm và thoải mái, từ đó nâng cao năng suất lao động và hiệu suất sản xuất.

  1. Khối văn phòng quản lý TPM

Đây là trụ cột cuối cùng của TPM. Không chỉ những công nhân vận hành máy, những nhà quản lý hay nhưng nhân viên khối văn phòng cũng phải chủ động và tập trung vào các kế hoạch cải tiến và bảo trì. Các văn phòng từ khối quản trị đến tầng phân xưởng đều có liên quan đến hoạt động sản xuất. Những nhà quản lý là những người thu thập thông tin và phân tích, đưa ra những dự đoán bảo trì và lên kế hoạch khắc phục các vấn đề hoặc bảo dưỡng theo thời hạn. Điều này đảm bảo cho TPM được triển khai thành công và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Kết

Áp dụng TPM giúp doanh nghiệp giảm thiểu những lỗi hỏng gây ảnh hưởng đến dây chuyền và chất lượng sản phẩm, cải thiện kỹ năng của người lao động, cải thiện môi trường làm việc, từ đó nâng cao sự tự tin và khả năng sáng tạo của công nhân viên. TPM cũng là kim chỉ nam để doanh nghiệp đi đúng hướng, phát triển toàn diện và bền vững về chất lượng, mang lại sự tin tưởng và hài lòng của khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì sự chuyên nghiệp và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường khu vực và toàn cầu. 

Comments

Popular posts from this blog

Nhận diện 8 lãng phí trong doanh nghiệp sản xuất

Lợi ích của hệ thống kiểm soát khu vực sản xuất ( SFC-Shop Floor Control)