10 nguyên tắc của Kaizen hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sản xuất
Kaizen là một thuật ngữ Nhật Bản, kết hợp giữa Kai - liên tục và Zen - cải tiến. Liên tục cải tiến là triết lý kinh doanh nổi tiếng của người Nhật đã được áp dụng thành công cho rất nhiều doanh nghiệp sản xuất.
Phương pháp Kaizen thúc đẩy sự cải tiến liên tục, không ngừng đối với mọi cá nhân trong doanh nghiệp, bất kể là cấp quản lý sản xuất hay công nhân phân xưởng. Chiến lược chỉ thành công khi có sự cam kết nỗ lực của mọi người nhằm cải thiện môi trường làm việc và quy trình sản xuất. Đây là phương pháp không tốn chi phí đầu tư mới để cải thiện chất lượng công việc, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí vận hành vô cùng hiệu quả.
Áp dụng phương pháp Kaizen có thể giúp doanh nghiệp nâng cao sản xuất, tạo nên giá trị không ngừng. Tuy nhiên, để ứng dụng thành công, doanh nghiệp cũng cần tuân theo 10 nguyên tắc cơ bản của Kaizen.
Nguyên tắc thứ nhất: Luôn tập trung vào khách hàng
Khách hàng là yếu tố quan trọng nhất cần hướng đến của doanh nghiệp sản xuất. Cung cấp dịch vụ, sản phẩm dựa trên nhu cầu của khách hàng là yếu tố bất biến trong quản trị kinh doanh. Khi triển khai Kaizen, doanh nghiệp cũng cần tập trung vào nguyên tắc này đầu tiên. Người hưởng lợi cuối cùng là khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần phải liên tục nghiên cứu và khảo sát nhu cầu để cải tiến chất lượng sản phẩm. Các hoạt động chỉ nhằm nâng cao chất lượng thành phẩm mà không chú trọng đến độ hài lòng của khách hàng đều cần bị loại bỏ.
Nguyên tắc thứ hai: Cải tiến liên tục
Doanh nghiệp không nên ngừng việc cải tiến và nâng cấp các sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường. Thay vì bắt tay ngay vào việc sản xuất mẫu mã mới hay nghiên cứu các tính năng mới thì doanh nghiệp nên tập trung cải tiến chất lượng sản phẩm hiện tại. Các tiêu chuẩn về mẫu mã, kỹ thuật, chi phí ở thời điểm này có thể sẽ không phù hợp trong tương lai, nên việc cải tiến liên tục và cập nhật cho những sản phẩm đó sẽ mang đến hiệu quả tốt hơn. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu nhu cầu khách hàng và cải tiến sản phẩm, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giữ được lượng mua hàng ổn định trong tương lai.
Nguyên tắc thứ ba: Xây dựng “văn hóa không đổ lỗi”
Doanh nghiệp cần xây dựng ý thức tự giác và ý thức trách nhiệm cho toàn bộ cá nhân từ cấp lãnh đạo xuống cấp công nhân. Khi có vấn đề xảy ra, cần quy trách nhiệm cho đúng người, đúng nhóm thay vì đổ lỗi cho các bộ phận khác. Việc thừa nhận vấn đề một cách thẳng thắn sẽ tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp.
Doanh nghiệp cần duy trì văn hóa này không chỉ trong nội bộ mà cả khi đứng trước công chúng, khách hàng. Thỏa mãn nhu cầu khách hàng là nguyên tắc đầu tiên mà các doanh nghiệp cần tập trung. Khi có vấn đề sai sót hay hỏng hóc, thay vì tìm lý do, doanh nghiệp cần xin lỗi và nhận trách nhiệm về mình, sau đó tập trung sửa lỗi, hoàn thiện sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất, tạo độ uy tín lâu dài cho doanh nghiệp.
Nguyên tắc thứ tư: Thúc đẩy môi trường văn hóa mở
Xây dựng được một môi trường mở sẽ thúc đẩy sự tự nguyện làm việc của nhân viên thay vì chịu áp lực thụ động từ cấp quản lý hoặc chấn chừ trong việc thừa nhận những sai sót mình gây ra. Nhân viên có thể thẳng thắn nhận lỗi và yêu cầu giúp đỡ từ các đồng nghiệp hoặc lãnh đạo công ty, từ đó duy trì văn hóa “không đổ lỗi”. Doanh nghiệp cũng nên xây dựng các kênh thông tin nội bộ để nhân viên có thể dễ dàng trao đổi các vấn đề gặp phải hoặc học hỏi kinh nghiệm làm việc từ mọi người.
Nguyên tắc thứ năm: Khuyến khích làm việc theo nhóm
Làm việc theo nhóm là phương pháp thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi người lao động. Khi làm việc theo nhóm, một người không cần phải làm tất cả các tác vụ, mà mỗi cá nhân sẽ được phân những công việc phù hợp với năng lực của mình. Các vấn đề xảy ra sẽ được nhìn nhận theo nhiều chiều và có nhiều biện pháp giải quyết hơn. Điều này thúc đẩy năng lực sáng tạo và kỹ năng của từng nhân viên, từ đó mang lên hiệu quả tốt cho công việc.
Nguyên tắc thứ sáu: Quản lý theo chức năng chéo
Doanh nghiệp sản xuất với định hướng khách hàng khi tạo ra thành phẩm cuối cùng là sự kết hợp của rất nhiều những bộ phận khác nhau trong công ty. Các phòng ban, nhà xưởng phối hợp với nhau từ bước tiếp cận, khảo sát nhu cầu khách hàng đến khi hình thành các bản thiết kế và đưa vào sản xuất, sau đó vận chuyển đến tay người dùng cuối. Quy trình này chỉ thành công khi các bộ phận thật sự phối hợp nhịp nhàng, đặt mục tiêu phát triển và cải tiến của doanh nghiệp lên đầu thay vì cho riêng phòng ban của mình. Điều này sẽ giảm thiểu các lãng phí nguyên vật liệu, chi phí và thời gian của doanh nghiệp.
Nguyên tắc thứ bảy: Nuôi dưỡng “quan hệ hữu hảo”
Doanh nghiệp cần tạo dựng và duy trì “mối quan hệ hữu hảo” giữa cấp lãnh đạo và nhân viên. Điều này giúp xây dựng một môi trường mở, nhân viên thực sự tự nguyện làm việc và đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Cấp lãnh đạo tin tưởng và khả năng của nhân viên, ngược lại, nhân viên cũng cảm thấy thoải mái khi làm việc, điều này sẽ thúc đẩy sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, việc này còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp.
Nguyên tắc thứ tám: Rèn luyện ý thức tự giác
Sự cải tiến liên tục của phương pháp Kaizen phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của mỗi người. Xây dựng thói quen và rèn luyện sự tự giác từ cấp lãnh đạo, quản lý đến nhân viên thực hiện Kaizen thì phương pháp này mới có hiệu quả tốt.
Nguyên tắc thứ chín: Thông tin đến mọi nhân viên
Khi giao nhiệm vụ cho nhân viên, các nhà quản lý cần phải thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về mục tiêu, yêu cầu hoặc giá trị của nhiệm vụ. Nhân viên sẽ khó hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu những thông tin này bị thiếu sót hoặc không rõ ràng. Thông tin nhanh chóng, đầy đủ sẽ giúp nhân viên lên được kế hoạch thực hiện đi đúng trọng tâm, hoàn thành đúng tiến độ mà không gây mất thời gian sửa chữa.
Nguyên tắc thứ mười: Thúc đẩy năng suất và hiệu quả
Đây cũng là nguyên tắc cốt lõi của Kaizen. Mục tiêu của triết lý Kaizen là thúc đẩy sản xuất năng suất, hiệu quả, đạt đúng và đủ yêu cầu của khách hàng, từ đó tạo lợi thế cho doanh nghiệp trên thị trường cung ứng. Các phương pháp như đào tạo đa kỹ năng, khuyến khích và tạo động cơ làm việc, xây dựng tinh thần làm việc,... đều nhằm tối đa hóa lợi ích cho cả người mua hàng và bản thân doanh nghiệp.
Kết
Kaizen là phương pháp tối ưu cho doanh nghiệp trong việc xây dựng một môi trường lao động lành mạnh, cởi mở, từ đó tối đa hiệu suất sản xuất và tạo ra những thành phẩm chất lượng nhất, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi của phương pháp để ứng dụng thành công, doanh nghiệp sẽ đạt được những lợi ích to lớn và tạo ra những giá trị phát triển lâu dài.
Comments
Post a Comment