Hệ thống Just In Time - bí quyết thành công của Toyota

Toyota là hãng ô tô Nhật Bản, ra đời vào thời điểm đã có những tên tuổi lớn trên thế giới, tuy nhiên vẫn trở thành một đế chế ô tô toàn cầu. Bí quyết của Toyota là áp dụng triết lý sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) để tối ưu nhà máy, tối đa giá trị mà khách hàng nhận được, đồng thời giảm thiểu các chi phí không cần thiết. Toyota đã áp dụng rất nhiều phương pháp của Lean bao gồm Kaizen, MUDA, Kanban,... và một trong những phương pháp làm nên thành công của doanh nghiệp chính là Just In Time (JIT).

  1. Just In Time là gì?

“Just In Time” (JIT), là Hệ thống sản xuất tức thời. Đây là tư duy quản lý sản xuất theo hướng hiện đại nhằm cải tiến chất lượng liên tục và loại bỏ những lãng phí làm trì hoãn quá trình phát triển của doanh nghiệp. Nói một cách ngắn gọn, JIT là phương pháp “đúng sản phẩm – đúng số lượng – đúng nơi – đúng thời điểm cần thiết”.

Là một phần của khái niệm sản xuất tinh gọn, trong JIT, những quy trình sản xuất không mang lại giá trị sẽ bị loại bỏ. Nói cách khác, phương pháp JIT đòi hỏi các nhà quản lý phải nghiên cứu và lập các kế hoạch sản xuất chỉ tập trung vào nhu cầu của khách hàng. Các nguyên liệu, máy móc và thành phẩm cần được lên kế hoạch vận hành và vận chuyển chi tiết để đảm bảo quy trình sản xuất không bị ngắt quãng, không tạo ra thời gian chết và gây lãng phí thời gian.

  1. Mục tiêu cơ bản của JIT

Hệ thống sản xuất tức thời đảm bảo dòng sản xuất đều đặn và không bị ngắt quãng. Trong quá trình sản xuất, mỗi công đoạn sẽ tạo ra đúng số lượng mà công đoạn tiếp theo cần tới. JIT được thiết kế sao cho quy trình tiếp theo có thể thực hiện ngay khi quy trình hiện thời chấm dứt. 

  1. Loại bỏ sự gián đoạn: Đây là mục tiêu đầu tiên của JIT để đảm bảo tiêu chí sản xuất không ngắt quãng, đồng đều. Những lý do gây gián đoạn quy trình thường là các tổn thất dừng máy hoặc các tổn thất về tốc độ hay thời gian.

  2. Tạo hệ thống linh hoạt: Just In Time cần linh hoạt thích ứng với các thay đổi trong quá trình sản xuất để đảm bảo mục tiêu đầu tiên, đồng thời tăng năng suất sản xuất và cân đối nguồn lực.

  3. Loại bỏ lãng phí: JIT kết hợp với các phương pháp loại bỏ lãng phí như MUDA giúp hạn chế việc doanh nghiệp không tận dụng tối ưu các nguồn lực và đạt đúng tiêu chí sản xuất tinh gọn.

  1. Các yếu tố chính của hệ thống JIT

  1. Mức độ sản xuất đồng đều và cố định

Các lịch trình sản xuất cần cố định để thiết lập lịch mua hàng và sản xuất, vì thông thường hệ thống JIT duy trì lượng tồn kho thấp. Điều này hỗ trợ việc duy trì sản xuất liên tục mà không bị thiếu hụt nguyên vật liệu.

  1. Số lượng tồn kho thấp

Phương pháp JIT giảm lượng tồn kho dần dần. Hàng hóa tồn đọng càng giảm thì càng dễ tìm thấy các khiếm khuyết và đẩy nhanh tốc độ sửa chữa, đồng thời tiết kiệm không gian và chi phí. Tuy nhiên, để duy trì được lượng tồn kho thấp, doanh nghiệp cần phải liên tục cải tiến để hạn chế những lỗi hỏng cần sử dụng đến hàng hóa dự phòng.

  1. Kích thước lô hàng nhỏ

Kích thước nhỏ giúp doanh nghiệp tiết kiệm không gian và chi phí lưu trữ, ít gây ra cản trở tại nơi làm việc, giảm chi phí kiểm tra, sửa chữa và cho phép các nhà quản lý linh hoạt hơn trong việc lập kế hoạch sản xuất.

  1. Lắp đặt nhanh với chi phí thấp

Các máy móc và thiết bị trong nhà xưởng phải được lắp đặt nhanh, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt đúng tiêu chuẩn. Doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ để tiết kiệm sức người và thời gian lắp đặt.

  1. Bố trí mặt bằng hợp lý 

Hệ thống JIT thường bố trí mặt bằng theo đối tượng, dựa trên nhu cầu về sản phẩm. Các thiết bị được sắp xếp để xử lý những sản phẩm giống nhau. Nhưng chi tiết nhỏ được vận chuyển từ trung tâm sản xuất này sang trung tâm khác liên tục, giảm thiểu thời gian thừa và lượng tồn kho cho những sản phẩm dở dang.

  1. Sửa chữa và bảo trì định kỳ

Doanh nghiệp cần có kế hoạch bảo trì định kỳ cho máy móc, thiết bị để hạn chế đến mức tối thiểu các hỏng hóc có thể xảy ra. Vì hệ thống JIT duy trì lượng tồn kho thấp, sẽ là rắc rối cho doanh nghiệp nếu máy móc bị dừng đột ngột hoặc tốn quá nhiều thời gian để sửa chữa.

  1. Công nhân đa kỹ năng

Hệ thống hướng đến đào tạo công nhân đa kỹ năng để họ chủ động trong việc vận hành sản xuất, linh hoạt thay đổi vị trí và còn có thể sửa chữa các lỗi nhỏ để đảm bảo quy trình được diễn ra liên tục.

  1. Đảm bảo sản xuất với chất lượng cao

Để sản xuất liên tục, các nhà quản lý cần đảm bảo không có trục trặc nào xảy ra trong quá trình vận hành. Thiết kế quy trình sản xuất hợp lý, yêu cầu nhà cung cấp giao nguyên vật liệu chất lượng cao và đào tạo công nhân có trách nhiệm với các công đoạn là 3 tiêu chí mũi nhọn của JIT để đảm bảo chất lượng sản xuất.

  1. Tinh thần hợp tác

Duy trì tinh thần hợp tác giữa công nhân, nhà quản lý và các nhà cung cấp để đảm bảo quy trình sản xuất vận hành trơn tru.

  1. Người bán đáng tin cậy

Việc kiểm tra hàng hóa không tạo ra giá trị, do đó hệ thống JIT mở rộng về phía người bán, người bán trở thành người kiểm tra số lượng và chất lượng thành phẩm. Người mua hàng sẽ làm việc với người bán để đạt được chất lượng họ mong muốn. 

  1. Thay hệ thống “Đẩy” bằng hệ thống “Kéo”

Hệ thống “Kéo” là sự luân chuyển công việc sao cho đáp ứng giai đoạn sản xuất tiếp theo, khác với hệ thống “Đẩy” là công việc dược đẩy ra mà không quan tâm đến quy trình tiếp theo đã sẵn sàng hay chưa. JIT dùng hệ thống “Kéo” để kiểm soát các công đoạn, đảm bảo mục tiêu ban đầu.

  1. Giải quyết vấn để

Đây là nền tảng của hệ thống JIT, khi có bất kỳ một vấn đề nào gây cản trở đến quá trình sản xuất liên tục đều cần được loại bỏ nhanh chóng, việc loại bỏ càng nhiều sự cố sẽ đạt hiệu quả sản xuất càng cao

  1. Cải tiến liên tục

JIT hướng tới cải tiến liên tục để giảm tồn kho, giảm chi phí không cần thiết, giảm thời gian sản xuất nhưng vẫn tăng chất lượng sản xuất, giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.

  1. Bí quyết ứng dụng JIT để tạo nên thành công của Toyota

Trong dây chuyền sản xuất ô tô của Toyota, cần tuân thủ các tiêu chí nhất định để đảm bảo đơn hàng được xử lý nhanh chóng:

  • Khi có đơn hàng, thông tin hướng dẫn phải được chuyến đến đầu dây chuyền sản xuất càng sớm càng tốt.

  •  Đảm bảo số lượng dự trữ dây chuyền lắp ráp đối với tất cả các bộ phận để có thể lắp ráp bất kỳ loại xe nào.

  • Đảm bảo số lượng các bộ phận được sử dụng trong quá trình lắp ráp sau trùng với cùng số lượng bộ phận từ quy trình trước đó.

  • Sản xuất phải cân đối với tiêu thụ, nghĩa là quy trình trước phải dự trữ các bộ phận và chỉ tạo ra số lượng cần thiết cho quy trình tiếp theo.

Ứng dụng hệ thống Just In Time trong sản xuất giúp Toyota loại bỏ triệt để những lãng phí không mang đến giá trị nào cho doanh nghiệp.

Toyota đã giảm tới 50% sai sót và 20% thời gian xây dựng khi triển khai JIT. Nếu dây chuyền lắp ráp bộ phận ô tô ban đầu là 10 phút, họ sẽ cải tiến để giảm thời gian còn 5 phút, sau đó là 2 phút. Những chiếc xe của Toyota được tạo ra với chất lượng cao nhưng không tốn quá nhiều chi phí và thời gian. Sự cải tiến liên tục không ngừng đã đưa Toyota trở thành một đế chế ô tô lớn mạnh  trên toàn thế giới. 

Đọc thêm: Nhận diện 8 lãng phí trong sản xuất

Kết

Áp dụng JIT khoa học và thông minh trên toàn bộ hệ thống sản xuất khép kín là chính là bí quyết thành công của Toyota. Đây cũng là ví dụ điển hình cho các doanh nghiệp muốn triển khai Hệ thống sản xuất tức thời. Tìm kiếm và ứng dụng những phương pháp quản lý sản xuất phù hợp là cách để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững và lâu dài.

Comments

Popular posts from this blog

Nhận diện 8 lãng phí trong doanh nghiệp sản xuất

Lợi ích của hệ thống kiểm soát khu vực sản xuất ( SFC-Shop Floor Control)

8 trụ cột của Bảo trì năng suất toàn diện